Tin tức
Tết Giáp Ngọ sẽ nghỉ chín ngày
Chính phủ (CP) đã thống nhất như vậy trong phiên họp thường kỳ ngày 2-12. Đây là lựa chọn được thảo luận trên cơ sở đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH và ý kiến của Bộ GTVT.
Nghỉ nối để tránh kẹt xe
Thời gian nghỉ tết Nguyên đán Giáp Ngọ theo Bộ luật Lao động là năm ngày, tính từ 30 tháng Chạp. Do trùng vào thứ Bảy, Chủ nhật nên tính cả ngày bù thì thời gian nghỉ chính thức là bảy ngày. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền - chịu trách nhiệm tham mưu về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đề nghị tăng thêm một ngày trước đó, tức từ 29 tết. Mục đích là thêm thời gian cho người lao động mua sắm, chuẩn bị tết cũng như đi lại về quê. Bù cho ngày nghỉ thêm đó, thứ Bảy liền trước sẽ vẫn phải đi làm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, nên cho nghỉ tết từ 28 âm. “Như thế sẽ giảm tải giao thông những ngày cận tết, giảm nguy cơ tai nạn giao thông, lại thêm thời gian mua sắm, kích cầu tiêu dùng. Với lại, phải tạo điều kiện cho công nhân các nhà máy chứ cán bộ, công chức thực ra toàn nghỉ trước để mua sắm” - ông Thăng giải thích.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trong lần đầu ra mắt báo giới tối 2-12. Ảnh: NGHĨA NHÂN
Qua thảo luận, hầu hết ý kiến thành viên CP đồng tình với đề nghị của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nghiêng theo ý kiến đa số này, kết luận nghỉ tết âm lịch năm nay sẽ từ 28 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng (tức từ ngày 28-1 đến 5-2-2014 dương lịch). Bù vào thời gian nghỉ thêm, người lao động, cán bộ, công chức trên cả nước sẽ làm việc vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật liền trước (ngày 25 và 26-1 dương lịch).
Chuyên gia y tế được kéo dài tuổi nghỉ hưu
Cũng trong cuộc họp, CP đã thống nhất nội dung nghị định hướng dẫn chi tiết về tuổi nghỉ hưu, theo hướng kéo dài tuổi nghỉ hưu cho hai nhóm đối tượng: người có trình độ kỹ thuật cao và cán bộ quản lý.
Cụ thể, ở nhóm đầu tiên, quy định hiện hành đã cho kéo dài thời gian nghỉ hưu thêm năm năm với người có học hàm phó giáo sư và giáo sư ở mọi ngành, lĩnh vực khoa học. Nay Bộ LĐ-TB&XH đề xuất áp dụng thêm với nhóm chuyên gia ngành y tế, gồm bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I cùng người có trình độ thạc sĩ chuyên ngành phong, lao, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần, HIV/AIDS. Lý do đưa ra là để bù đắp thiếu hụt lực lượng chuyên môn sâu trong lĩnh vực khó và gian khổ này. Đề xuất này áp dụng cho cả nam - tuổi nghỉ hưu từ 60 được nâng lên 65 và nữ - tuổi hưu 55 nâng lên 60.
Ở nhóm thứ hai, chỉ áp dụng cho cán bộ quản lý nữ, ở cương vị từ vụ trưởng trở lên và tương đương ở các bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc trung ương, từ cỡ giám đốc sở và tương đương trở lên… ở địa phương. Tuổi nghỉ hưu cũng được kéo dài tới 60, tuy nhiên kèm theo điều kiện bổ sung “đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu”.
Vẫn làm thủy điện nhưng hạn chế mặt trái
Cuộc họp thường kỳ này, CP cũng bàn bạc triển khai Nghị quyết của QH vừa ban hành trong kỳ họp vừa qua về quy hoạch thủy điện (TĐ). Theo đó, với 268 nhà máy TĐ đang phát 14.000 MW thì sẽ có chương trình kiểm tra lại toàn bộ tình trạng an toàn hồ đập. Việc này sẽ do liên ngành trung ương tiến hành chứ không phân cấp địa phương nữa.
Ở nhóm công trình này, sẽ kiểm tra lại tình hình ăn ở của dân tái định cư, trên tinh thần bà con còn khó khăn, thiếu điện sinh hoạt thì chính các nhà máy TĐ phải trích lợi nhuận để hỗ trợ. “Vừa rồi có ĐBQH nói dân tái định cư Thác Bà - công trình TĐ đầu tiên của miền Bắc đã hoạt động mấy chục năm rồi mà vẫn chưa có điện. Trong kỳ họp, tôi tìm gặp đồng chí đó mà không được. Tôi sẽ liên hệ với chủ tịch Yên Bái xem cụ thể thế nào” - Thủ tướng cho biết.
Ngoài ra, sẽ phải khẩn trương giải quyết hai vấn đề đang tồn đọng. Một là trồng rừng bù cho phần bị phá để làm TĐ, nếu không có đất trống tại chỗ thì chủ đầu tư phải đóng tiền đủ để trồng rừng ở nơi khác. Hai là rà soát lại quy trình vận hành hồ chứa, đồng thời hoàn thiện quy trình liên hồ thuộc toàn bộ 11 hệ thống sông trên cả nước, bao gồm cả mùa lũ, mùa hạn. Thủ tướng nhấn mạnh quy trình vận hành hồ chứa sẽ do chủ đầu tư xây dựng nhưng phải được trung ương phê duyệt. Khi đi vào vận hành xả lũ thì trực tiếp chủ đầu tư cùng lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm chứ không thể đẩy quả bóng lên trên.
Với nhóm 205 dự án TĐ đang xây dựng dở dang, tổng công suất 6.000 MW, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát. Công trình nào không đáp ứng yêu cầu thì dừng. Còn 348 điểm khác nằm trong quy hoạch TĐ thì cũng phải đánh giá lại, nếu không cần thiết thì tiếp tục đưa ra khỏi quy hoạch. Với loại này, nếu lập dự án thì không để UBND tỉnh phê duyệt nữa mà trực tiếp Bộ Công Thương phải vào thẩm định. Tùy trường hợp sẽ giao bộ trưởng Công Thương hoặc trực tiếp Thủ tướng phê duyệt.
“Cái gì cũng có hai mặt tiêu cực, tích cực. Ta phải cố tính toán, xử lý để hạn chế mặt trái đi. Điện hạt nhân ta cố làm hai nhà máy nhưng một cái 2.000 MW tính đến giờ mức đầu tư phải tới 10 tỉ USD rồi. TĐ của ta tiềm năng thế, phải cố mà khai thác. Đừng vì áp lực quá mà cực đoan, dừng hết…” - Thủ tướng nói.
Tân Chủ nhiệm Văn phòng CP Nguyễn Văn Nên: “Mong báo chí kề vai, sát cánh…” Tân Chủ nhiệm Văn phòng CP Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp báo CP thường kỳ tối 2-12. Ông thông báo nội dung cơ bản kết quả phiên họp CP, trong đó đưa ra một số thông tin cập nhật về tình hình KT-XH tháng 11. Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định với lạm phát trong tháng ở mức 0,34% - mức thấp so với cùng kỳ 10 năm qua. Như vậy, dự báo lạm phát cả năm có thể thấp hơn năm 2012 (6,81%). Tình hình thu ngân sách cũng được cải thiện, đến nay đạt hơn 80% dự toán năm. Với tình hình này, dự kiến đến hết tháng sau có thể hoàn thành nhiệm vụ thu. Tuy nhiên, vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn khiến lạm phát tăng trở lại. Sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, tổng cầu và sức mua yếu. Việc chống thất thu thuế vẫn là thách thức và để giải quyết, Thanh tra CP dự kiến năm tới sẽ tập trung thanh tra lĩnh vực thuế. Phát biểu với báo giới trong lần đầu ra mắt, ông Nên nói: “Tôi là người mới, từ địa phương ra đang còn làm quen với công việc của CP nên không khỏi những bỡ ngỡ, lúng túng. Tôi trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí kề vai, sát cánh, hỗ trợ để tôi làm tốt nhiệm vụ của mình, để CP sát hơn, gần hơn với công chúng”. |
NGHĨA NHÂN
(Theo Pháp luật TPHCM)